Trà đạo không chỉ là cách uống trà mà còn là một triết lý hướng đến giá trị tinh thần. Thông qua các lễ thức trà được truyền đồng từ trước, mọi người cùng nhau thưởng thức trà trong không khí khoan thai nhẹ nhàng.
Họ dừng lại ở giây phút hiện tại, chiêm ngưỡng hương vị của một chén trà ngon và trải nghiệm sự an nhiên trong tâm hồn.
Trà đạo là điều tự hào nhất của văn minh Đông Á, một cánh cửa để Thế giới hiểu được Phương Đông. Một chén trà để thưởng thức được cái lễ của Khổng Tử, cái ung dung của Lão Tử và sự an nhiên từ Đức Thích Ca.
Trà Đạo – Việt Nam
“Trà Chuyên” một biểu tượng của nghệ thuật uống trà tinh tế, đã nở rộ từ thời kỳ Lê Trung Hưng và tiếp tục phát triển đỉnh cao trong đầu triều Nguyễn. Được ưa chuộng đặc biệt bởi tầng lớp Quý tộc và Nho sĩ, “Trà Chuyên” không chỉ là việc thưởng thức trà mà còn là một trải nghiệm nghệ thuật đẳng cấp.
Tại thời kỳ này, nghệ thuật uống trà không chỉ là hành động đơn thuần mà trở thành một biểu tượng của sự tinh tế và quý phái. Người ta không chỉ chú trọng đến chất lượng trà mà còn đặc biệt quan tâm đến cách trình bày và trang trí không gian. “Trà Chuyên” thường được biểu diễn qua các buổi lễ, họp mặt quan trọng, nơi mà nó là biểu tượng của sự thanh nhã và tinh tế.
Dụng cụ pha trà
Pha trà
Trà Chuyên là nghệ thuật của những thứ nhỏ nhắn, chén hạt mít, ấm quả quýt… cùng với sự kiểm soát kỹ càng chất nước và độ sôi, mục tiêu để tối đa hoá hương vị khi pha trà.
Thưởng trà
Không chỉ có trà ngon, trong buổi uống trà còn có hoa, trầm và nến cho những đêm thanh tịch. Thưởng trà cách để di dưỡng tinh thần thanh nhã, an nhàn, tự tại của kẻ sĩ.
Chanoyu – Nhật Bản
Trà đạo Nhật Bản tuân theo một lễ thức cổ xưa có từ thế kỉ thứ 15, dùng một loại bột trà đặc biệt gọi là “Matcha”, đánh tan với nước nóng và uống bằng bát lớn. Được sáng lập bởi thiền sư Rikyu, Trà đạo Nhật Bản gói gọn trong chữ “Đạo”, các thao tác trong pha trà đều được quy định rất chi tiết.
Dụng cụ pha trà
Pha trà
Trà đạo Nhật Bản dùng một loại trà bột đặc biệt, được gọi là “Matcha”. Dùng gáo múc nước sôi từ nồi đổ vào bát trà. Dùng chổi đánh trà (chasen) đánh tan trà trong nước.
Uống trà
Nhận bát trà bằng tay phải rồi đặt vào lòng bàn tay trái. Xoay bát trà theo chiều kim đồng hồ 3 lần bằng tay phải. Sau khi uống xong, lau miệng bát chỗ vừa uống bằng tay phải. Xoay bát ngược chiều kim đồng hồ, ngắm bát rồi đưa trả lại cho trà chủ.
Gongfu Cha – Trung Quốc
Trung Quốc là trung tâm lớn nhất của trà, tạo ra những thay đổi để đưa trà từ thức uống giải khát thành một nghệ thuật và lan truyền qua các nước lân cận. Trà đạo Trung Quốc trọng chữ “Mỹ”, hướng đến trà ngon, tinh tế trong việc chọn trà, nước, ấm và cách pha.
Dụng cụ pha trà
Pha trà
Dùng thẻ đong trà xúc trà cho vào ấm.Rót nước sôi vào ấm, thay đổi cao độ liên tục để tạo áp lực thay đổi tác động vào sợi trà. Rót trà từ ấm vào chén tống, từ tống rót vào ống ngửi.
Uống trà
Lấy chén trà úp lên miệng ống ngửi, sau đó lật ngược lại để trà từ ống ngửi tràn sang chén trà. Lúc này, ống ngửi sẽ lưu hương, chén trà sẽ lưu vị. Dùng hai tay kẹp lấy ống ngửi, đưa qua lại ngang mũi trong khi lăn chén giữa 2 tay để thưởng thức hương trà. Khi uống trà, cầm chén bằng 3 ngón tay thế này được gọi là “Tam Long Giá Ngọc”
Panyaro – Hàn Quốc
Trà đạo Hàn Quốc gói gọn trong chữ “Giản”, giản dị và tự nhiên chất phác với ít nghi lễ, ít độc đoán, nhiều tự do hơn cho thư giãn và nhiều sáng tạo hơn trong cách thưởng thức.
Dụng cụ pha trà
Pha trà
Dùng thẻ đong trà vào ấm. Trà Panyaro Hàn Quốc sử dụng một loại trà xanh đặc biệt, một hỗn hợp gồm trà bột và trà sợi cán mỏng. Nước nóng trước hết được rót vào chuyên nước để giảm nhiệt độ xuống khoảng 65°C đến 70°C, sau đó mới rót vào ấm trà. Rót trà từ ấm vào từng chén, chia thành 3 lần, mỗi lần 1/3 chén.
Trà đạo của mỗi Quốc gia không chỉ là việc thưởng thức hương vị, mà còn là nền văn hóa, lịch sử và sự kết nối con người. Dưới tán lá trà, chúng ta không chỉ uống trà, mà còn thấu hiểu văn hóa và truyền thống của mỗi quốc gia, tạo nên một giao thoa tinh tế giữa con người và nghệ thuật trà.