Nghệ thuật “Nhất thủy – nhị trà – tam pha – tứ ấm – ngũ quần anh” Văn hóa thưởng trà tinh tế gắn liền với đời sống của người Việt từ xa xưa. Trà Việt mang hương vị riêng biệt và người Việt cũng thưởng trà theo cách riêng.
Văn hóa trà đạo Việt Nam thể hiện sự bình dị và gần gũi giữa con người với con người.
Sự bình dị trong nghệ thuật trà đạo Việt Nam không đồng nghĩa với sự cẩu thả, qua loa.
Nghệ thuật trà đạo Việt Nam tập trung vào 5 nguyên tắc cơ bản: “Nhất thủy – Nhị trà – Tam pha – Tứ ấm – Ngũ quần anh”. Mỗi bước đều thể hiện sự tinh tế và tận tâm của người pha trà.
Nhất thủy
Nhất thủy – nước pha trà: Pha trà theo truyền thống Việt Nam đòi hỏi nước đầu nguồn tinh khiết và thậm chí nước sương trên lá sen sớm mai.
Vì sao các cụ lại đặt vấn đề lựa chọn nước phù hợp lên hàng ưu tiên mà đó không phải là chọn trà?
Vì dù bạn có một loại trà ngon đến mấy, nhưng nguồn nước không phù hợp cũng không thể pha ra được một ấm trà ngon.
Trong Trà Kinh của Lục Vũ ghi chép lại cách chọn nước là: “Sơn thủy thượng, giang thủy trung, tỉnh thủy hạ”. Nghĩa là loại nước suối từ núi cao là loại nước tốt nhất để pha trà, sau đó là nước sông, cuối cùng là nước giếng. Nước chất lượng là chìa khóa cho một trải nghiệm trà ngon.

Nhị trà
Nhị trà – chọn trà: Cách chọn trà theo quan điểm của các cụ không nhấn mạnh vào việc lựa chọn loại trà ngon do đó phụ thuộc vào khẩu vị cá nhân.
Thay vào đó, chúng ta được khuyến khích chọn trà dựa trên yếu tố như khí tiết trong năm và khoảng thời gian trong ngày để tối ưu hóa tận dụng lợi ích cho sức khỏe và trải nghiệm thưởng trà.
Các cụ thường coi trà là như một loại thuốc, và việc chọn trà phải phù hợp điều kiện khí hậu và cơ địa. Nếu kết hợp đúng với ngũ hành trong vũ trụ, trà có thể đạt được hiệu quả dưỡng sinh cao nhất.
Tam pha
Tam pha – cách pha trà: Một khi có nguồn nước sạch và trà ngon rồi thì người thưởng thức cũng cần quan tâm đến cách pha trà.
Mỗi loại trà đều có một cách pha khác nhau, trong đó các yếu tố về lượng trà, lượng nước, nhiệt độ và thời gian hãm trà có liên quan trực tiếp đến hương vị của trà nên cần được chú trọng.
Sau khi tráng trà, cần nhanh chóng rót một lượng nước sôi vừa đủ để đảm bảo khi chia cho mọi người vẫn còn 1 lượng nước cốt ngập trà. Tiếp theo, đậy nắp ấm và tiếp tục rót nước sôi lên nắp ấm để giữ cho ấm giữ được nhiệt độ ổn định cho trà.

Tứ ấm
Tứ ấm – ấm trà: “Ấm” ở đây là khái niệm chung để chỉ các loại trà cụ trong lúc pha, bao gồm ấm, chén khải, tống và cả chén để uống.
Các yếu tố cần được cân nhắc bao gồm chất liệu và kiểu dáng. Ví dụ chỉ với chén trà nhưng chất liệu (sứ, đất, thủy tinh,…) hay độ dày, dáng chén,… cũng có những ý nghĩa khác nhau ảnh hưởng đến vị trà.
Ấm pha trà ngon nên là loại ấm được làm từ đất hồng sa, đất tử sa, đất dãy Hoàng Liên Sơn… Bởi chúng đảm bảo giữ được hương vị trà lâu nhất, đồng thời thể hiện giá trị văn hóa lâu đời trong nghệ thuật thưởng trà Việt Nam.

Ngũ quần anh
Ngũ quần anh – người cùng thưởng trà: Theo quan niệm của người xưa, bạn trà tâm giao sẽ là người bạn tri kỷ, có thể chia sẻ mọi điều phiền muộn, vui sướng trong cuộc sống thường nhật.
Với người Việt, luôn có quan niệm cho rằng, khách tới nhà không trà cũng nước. Trong một buổi thưởng trà, người ta vẫn lưu truyền câu “Trà Tam, Rượu Tứ” để giải thích người Việt uống trà không quá 3 người nhằm đảm bảo không gian thưởng thức bao gồm Trà Chủ và hai Trà Khách.
Rót trà ra mời bạn cũng cần lưu ý, phải mời người lớn tuổi nhất, sau đó mới đến những người trẻ tuổi hơn.
Khi chậm rãi nhấp ngụm trà nóng, hãy tận hưởng vị nhân nhẫn đăng đắng và ngắm sắc nước vàng óng ánh, dường như hơi thở cũng nhẹ nhàng hơn, đều đặn hơn từ bên trong.

Văn hóa trà ở Việt Nam là kết hợp tinh tế giữa sự cầu kỳ và giản dị. Trong không gian trà, từ nghệ thuật pha trà đến việc sử dụng đồ uống và dụng cụ, mọi thứ đều được sắp xếp một cách tỉ mỉ và đẹp mắt.
Điều này tạo nên một phong cách đặc trưng, làm nổi bật vẻ đẹp của truyền thống trong cuộc sống hàng ngày.