Phong tục “Tam Đạo Trà” có nguồn gốc từ dân tộc Bạch, Vân Nam, Trung Quốc từ rất lâu đời. Bởi cái hay của tam đạo trà nằm ở sự cảnh ngộ sâu sắc về nhân sinh.
Tam Đạo Trà nghĩa là khi nhà có khách tới thăm, chủ nhà sẽ mời khách 3 ly trà có mùi vị và ý vị khác nhau, ngụ ý muốn gửi gắm 3 cảnh giới của nhân gian tới người thưởng thức: “Nhất khổ, Nhị cam, Tam hồi vị”.
Chén thứ nhất
Là chén trà Đắng, đắng đầu lưỡi rồi lan nhanh ra toàn miệng đến cuống họng, người thưởng trà cảm đủ vị đắng của trà như vị đắng của đời người. Ý nói đời người nên trải qua khổ hạnh, đi từ cái gian nan mà nên, càng đi trong gian khó đôi chân càng đứng vững giữa dòng đời.
Chén thứ hai
Là chén trà Ngọt thanh trung hòa dần vị đắng. Vị ngọt lan đến đâu, vị đắng mất dần đi đến đó, để lại là sự ngọt thuần nơi cuống họng. Ngụ ý như trải qua bao gian nan vất vả, cay đắng của đời người thì thành công, vị ngọt ngào của cuộc sống sẽ tới. Lại càng thêm hay, khi chén đắng bao nhiêu, cảm được chén ngọt lại trọn vị bấy nhiêu.
Chén thứ ba
Là “hồi vị”, là chén trà có ngũ vị hội tụ đầy đủ ngọt chua cay đắng mặn, là chén trà suy ngẫm, khúc đoạn trầm tư về đời người. Cả một đời người muôn màu muôn vẻ, có lúc đắng cay có lúc ngọt bùi, hội tụ đầy đủ trong chén trà nhỏ bé. Những gian khổ, đau thương là bài học, là sự trải nghiệm để gặt hái được thành công. Một chén trà đầy cảm xúc và mang ý nghĩa sâu sắc.
Đến chén thứ ba này, phải dùng tâm cốt mà cảm nhận. Cảm được ngũ vị như thế nào là tùy vào sự trải nghiệm thực tế trong cuộc sống của mỗi người.
Cũng là một chén trà, cũng là một câu chuyện cuộc sống nhưng cách nhìn nhận mỗi người khác nhau, nên nếm trải mùi vị khác nhau. Mỗi lần nếm qua là mỗi vị cảm nhận được lại khác, người càng có nhiều trải nghiệm lại cảm được cái ngon của trà.
Nhân sinh trong một chén trà thiền, thử một lần thưởng tam đạo trà, miệng từ từ cảm nhận, tâm từ từ thưởng thức, hồi niệm cái đã đi qua mà từ từ ngẫm nghĩ, từ từ chiêm nghiệm. Mọi gian nan, buồn khổ đều có thể chịu đựng được, đều có thể dung hòa được.